- Giáo dục, Tin tức

Quy hoạch mạng lưới trường học ở Hà Nội đã lạc hậu

Trước thực tế mạng lưới trường học ở Hà Nội đang dần lạc hậu, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã và đang đề xuất UBND TP cần sớm có quyết định phê duyệt và điều chỉnh bổ sung quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030…

Áp lực giảm sĩ số của 1 lớp học

Quy hoạch mạng lưới trường học ở Hà Nội đã lạc hậu

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo ở bậc học tiểu học mỗi lớp học chỉ được sắp xếp tối đa 35 học sinh/lớp. Thế nhưng từ nhiều năm nay với các trường công lập tại Hà Nội thì nhiều khi sĩ số này bị đội lên gần gấp 2 lần.

Trước những yêu cầu của chương trình Giáo dục phổ cập mới, một câu hỏi lớn đang đặt ra là chuyện quá tải trường lớp có được giải quyết dứt điểm hay không!?

Qua ghi nhận thực tế tại nhiều trường học trên địa bàn Thủ đô, nhất là những trường điểm thì đa phần sĩ số học sinh đều vượt ngưỡng 50 em/lớp, cá biệt có những lớp học lên tới gần 70 học sinh/lớp như tại Trường Tiểu học Chu Văn An nằm khu đô thị Tây Nam Linh Đàm, Hà Nội.

Lớp học quá đông ắt dẫn đến nhiều hệ lụy trong việc đào tạo. Việc đông học sinh quá không chỉ khiến không gian trở nên chật chội mà ảnh hưởng cả đến cơ hội được tương tác trong giờ học của cả học sinh.

Mặc dù đã cố gắng hết sức nhưng các giáo viên cũng không thể hướng dẫn được từng em. Thậm chí không ít học sinh mắc chứng cận thị cũng bởi bàn học kê quá sát bảng.

Giáo viên chủ nhiệm không chỉ vất vả trong khâu tổ chức hoạt động dạy và học, biên soạn giáo án, mà còn bề bộn nhiều công việc khác như quản lý sổ sách, nhận xét học sinh lớp mình…

Tình trạng quá tải trường lớp tại các khu đô thị, chung cư mới đã được đề cập rất nhiều, nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu, nên từ nhiều năm nay ngành giáo dục Hà Nội đã quen với vấn nạn sĩ số quá tải như một chuyện… đương nhiên của quá trình phát triển.

Theo ông Phạm Hùng Anh, Cục phó Cục Cơ sở vật chất và thiết bị trường học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để đáp ứng được chương trình mới, nhất thiết sĩ số mỗi lớp phải đạt 35 học sinh. So với tình hình hiện nay thì nhu cầu phòng học cấp tiểu học sẽ tăng lên nhiều.

Còn theo giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình Giáo dục phổ cập mới, khi triển khai chương trình các địa phương cần đảm bảo đủ cơ sở vật chất để học sinh học 2 buổi/ngày với cấp Tiểu học và sĩ số không quá 35 học sinh/lớp ở Tiểu học, 45 học sinh/lớp ở cấp THCS và THPT.

Áp lực giảm sĩ số của 1 lớp học

Phân tích cụ thể hơn, giáo sư Thuyết cho rằng Hà Nội lo nhất là thiếu đất, thiếu kinh phí để xây dựng nên có những trường chỉ có thể dạy được 5 buổi/tuần. Mong lãnh đạo các cấp quan tâm hơn nữa để chấm dứt việc học sinh học 5 buổi/tuần.

Nếu dạy học 6 buổi/tuần thì sẽ thực hiện được đầy đủ chương trình trừ những môn tự chọn. Tiếp đó, ông băn khoăn cần làm sao để sĩ số lớp đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Còn như hiện nay, mỗi lớp 50 học sinh thậm chí là 60 thì thầy cô làm sao đổi mới phương pháp được. Cùng với đó, khi áp dụng chương trình mới, lớp học cũng cần được bố trí theo hình thức làm việc nhóm chứ không bố trí kiểu dàn hàng ngang như hiện nay.

Ông Nguyễn Thế Sơn, Phó trưởng Phòng Kế hoạch tài chính thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, Sở đã trình UBND TP kế hoạch xây dựng bổ sung trường lớp. Đồng thời, đề xuất các quận huyện rà soát, tháo gỡ bởi mỗi năm, Hà Nội tăng gần 66.000 học sinh, gây khó khăn cho việc sắp xếp trường lớp.

Như vậy, khi thời điểm triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ngày càng gần, thách thức về sĩ số đặt ra cũng lớn hơn với ngành giáo dục của Thủ đô.

Nếu bám sát cái đích hướng đến phát triển năng lực của mỗi Học sinh mà không kéo được sĩ số bậc Tiểu học xuống còn khoảng 30 đến 35 em/lớp thì thật khó kỳ vọng sự đổi thay, hay đột phá về chất lượng giáo dục.

5/5 - (1 bình chọn)